Ảnh minh họa |
Cụ thể, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5mm, được ủ hoặc được xử lý nhiệt bằng phương pháp khác và ngâm hoặc được cạo gỉ để loại bỏ tạp chất dư thừa trên bề mặt của thép không gỉ. Những sản phẩm này có thể được tiếp tục xử lý (được cắt hoặc được xẻ) với điều kiện là quá trình đó không làm thay đổi các đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm. Các sản phẩm này thuộc các mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan (mã số vụ việc 13-KN-BPG-01).
Mức thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng cho hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, cụ thể như sau:
Nước/Vùng lãnh thổ | Tên nhà sản xuất/xuất khẩu | Mức thuế chống bán phá giá |
Trung Quốc | Lianzhong Stainless Steel Corporation | 4,64% |
Fujian Southeast Stainless Steel Co., Ltd. | 6,87% | |
Các nhà sản xuất/xuất khẩu khác | 6,58% | |
Indonesia | PT Jindal Stainless Indonesia | 3,07% |
Các nhà sản xuất/xuất khẩu khác | 3,07% | |
Malaysia | Bahru Stainless Sdn. Bhd. | 10,71% |
Các nhà sản xuất/xuất khẩu khác | 10,71% | |
Đài Loan | Yieh United Steel Corporation | 13,79% |
Yuan Long Stainless Steel Corp. | 37,29% | |
Các nhà sản xuất/xuất khẩu khác | 13,79% |
Theo Quyết định này, thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các nhà sản xuất/xuất khẩu thuộc các nước/vùng lãnh thổ nêu trên thực hiện hoạt động xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp hàng hóa thuộc đối tượng điều tra thông qua các doanh nghiệp thương mại vào Việt Nam.
Từ ngày 5/10/2014, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành áp dụng thuế chống bán phá giá với hàng hóa thuộc đối tượng điều tra từ các nhà sản xuất/xuất khẩu thuộc các nước/vùng lãnh thổ trong phạm vi vụ việc điều tra.
Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng trong vòng 5 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực. Sau 1 năm kể từ ngày có quyết định, các bên liên quan có quyền yêu cầu rà soát thuế chống bán phá giá theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh 20/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước đó, ngày 13/8/2014, Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá đã họp biểu quyết và nhất trí về các nội dung liên quan đến vụ việc là: (i) Có tình trạng bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; (ii) Có trình trạng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể; (iii) Có mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Thanh Châu